Sự hình thành và phát triển của tập đoàn Vingroup

Sự hình thành và phát triển của tập đoàn Vingroup

Ông Phạm Nhật Vượng, câu chuyện tạo dựng và dẫn dắt thị trường - ảnh 1

Hơn một năm qua, những người đi lại hằng ngày qua cầu Sài Gòn nối giữa quận 2 và khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh có thể chứng kiến sự thay đổi từng ngày của khu vực Tân Cảng trên diện tích hơn 43 héc ta bên sông Sài Gòn, nay được biết đến dưới cái tên mới, Vinhomes Central Park. Một ttđại công trường với những tòa nhà đang vươn cao, những chiếc cần cẩu khổng lồ hoạt động không ngưng nghỉ suốt đêm ngày. “Tốc độ thay đổi thật phi thường,” Alex Titolo, một viên chức ngoại giao Mỹ đang sống tại TP. HCM nhận xét. Với tốc độ xây dựng này, dự án đô thị phức hợp lớn nhất mà tập đoàn Vingroup thực hiện cho tới nay, với tổng vốn đầu tư trên 30 ngàn tỉ đồng (1,5 tỉ đô la Mỹ), dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018, khi tòa nhà Landmark 81 tầng đi vào hoạt động.

Ngay cả với quy mô và tốc độ phát triển kỷ lục như vậy, Vinhomes Central Park cũng chỉ là một trong gần 60 dự án mà tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang thực hiện trên khắp cả nước, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi phát triển bất động sản vẫn là ngành chủ chốt, Vingroup đang đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào hàng loạt khu vực kinh doanh khác: du lịch – nghỉ dưỡng (Vinpearl, Vinpearl Land), bán lẻ (VinMart, VinPro, VinDS), nông nghiệp (VinEco), giao vận (Vinlink,VinExpress), thương mại điện tử (Adayroi), y tế (Vinmec) và giáo dục (Vinschool). Tổng mức đầu tư cho các lĩnh vực kinh doanh ngoài bất động sản và du lịch – nghỉ dưỡng của Vingroup cho tới nay đạt khoảng 12.600 tỉ đồng. Trong năm 2016, tập đoàn này dự tính sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 35 ngàn tỉ đồng cho các dự án bất động sản, trong đó khoảng 25 ngàn tỉ đồng vào các dự án bất động sản phức hợp, 4.000 tỉ đồng cho mở rộng mạng lưới các trung tâm thương mại, và còn lại là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Các lĩnh vực kinh doanh mới dự tính sẽ được đầu tư khoảng 3.000 – 4.000 tỉ đồng mỗi năm.

Với giá trị vốn hóa của Vingroup tính đến 1.12.2015 đạt khoảng 80 nghìn tỉ đồng, dự kiến doanh số năm 2015 trên 30 ngàn tỉ đồng, chủ yếu từ bất động sản, và quỹ đất khoảng 7.500 héc ta, Vingroup hiện tại là nhà đầu tư phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam, với quy mô gấp 10 lần công ty bất động sản kế tiếp trên sàn chứng khoán, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh khác, kể cả những công ty chưa niêm yết có số lượng dự án lớn như Novaland. Với chiến lược phát triển mạnh mẽ vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, lấy trọng tâm là thị trường tiêu thụ của lớp người tiêu dùng trung lưu đang lên, Vingroup đang ở vị trí của tập đoàn doanh nghiệp tư nhân hàng đầu tại Việt Nam. Theo phân tích được cho là thận trọng của công ty chứng khoán Bản Việt, Vingroup có thể đạt doanh số trung bình mỗi năm 38 ngàn tỉ đồng trong vòng ba năm từ 2015 – 2017 chỉ từ kinh doanh bất động sản. Tốc độ tăng trưởng kép trung bình khoảng 27%. Các chuyên gia phân tích và các nhà đầu tư lớn đang rất thích công ty này.

Tốc độ phát triển của Vingroup khiến cho thị trường ngạc nhiên. Ba năm kể từ khi Forbes ghi nhận tên tuổi ông Phạm Nhật Vượng vào danh sách tỉ phú thế giới, tài sản – tính theo trị giá cổ phiếu mà ông Vượng sở hữu tại Vingroup – chỉ nhỉnh lên đôi chút, nhưng khối lượng công việc mà tập đoàn do ông lãnh đạo đã và đang làm thì vượt xa những con số về tài sản. Sứ mệnh mà ông Vượng đặt ra cho bản thân và tập đoàn của mình lớn hơn nhiều mục tiêu về xây dựng tài sản cá nhân. Trong thông điệp chia sẻ với cổ đông tại đại hội cổ đông năm 2015, ông Phạm Nhật Vượng nói: “Chúng ta có niềm tin vào khả năng dẫn dắt sự thay đổi thị trường.” Trong năm qua, Vingroup đã chứng minh khả năng tạo lập, dẫn dắt và thúc đẩy thị trường của họ tại Việt Nam, trong một môi trường kinh doanh mà giới đầu tư nước ngoài mô tả là “rất dễ thay đổi và không thân thiện”. Tốc độ phát triển mạnh mẽ của tập đoàn này trong năm và tác động tích cực của họ lên sự phát triển kinh tế là lý do Forbes Việt Nam chọn Vingroup là câu chuyện kinh doanh của năm 2015.

Ông Phạm Nhật Vượng, câu chuyện tạo dựng và dẫn dắt thị trường - ảnh 3

Khả năng dẫn dắt của Vingroup đang thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực phát triển bất động sản, lĩnh vực cốt lõi mà họ đã chứng minh được năng lực trải qua quá trình phát triển tại thị trường Việt Nam gần 10 năm qua. Cuối năm 2014, khi Vingroup khởi công xây dựng dự án Vinhomes Central Park tại TP. HCM với 10 ngàn căn hộ và biệt thự, thị trường ghi nhận tổng cộng khoảng hơn 20 ngàn căn hộ dự kiến sẽ được tung ra trong vòng ba năm tới. Khi đó, rất nhiều ý kiến nghi ngại về khả năng hấp thụ nguồn cung của thị trường. Nhưng những diễn biến tích cực của thị trường bất động sản trong năm qua khiến cho các nhà phát triển bất động sản khác tung ra sản phẩm vượt nhiều hơn dự kiến ban đầu. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, thị trường TP. HCM đã có gần 25 ngàn căn hộ được tiêu thụ. Riêng Vinhomes Central Park cho biết đã mở bán 8.300 căn hộ, 79% số đó đã có người mua. “Khối lượng phân phối hàng hóa của Vingroup thật sự là đáng kinh ngạc,” ông Marc Townsend, tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận xét (Ông Townsend hiện đang ngồi trong hội đồng quản trị của Vingroup với tư cách thành viên độc lập). “Họ rất nhanh nhạy trong việc bán hàng. Việc ngay lập tức triển khai bán hàng cho người nước ngoài khi quy định cho phép người nước ngoài mua nhà được áp dụng ngày 1.7.2015 là một ví dụ.”

Ông Vũ Thanh Tú, giám đốc nghiên cứu của công ty chứng khoán Bản Việt cho biết, con số bán quá tốt của Vingroup thậm chí khiến thị trường nghi ngờ. “Khi họ công bố mức bán hàng, nhiều người hỏi Vingroup có bán cho các công ty con của họ không?” Câu hỏi này đã từng được đặt ra cách đây vài năm, khi Vingroup công bố số liệu bán hàng của dự án Royal City và Times City tại Hà Nội. Cả hai dự án này đều đã bán số lượng lớn, số căn hộ còn lại mà chủ đầu tư nắm giữ không đáng kể. Bất chấp những nghi ngờ, thương hiệu Vinhomes chiếm được lòng tin của thị trường nhờ khả năng hoàn thành và giao nhà đúng thời hạn vào thời điểm khó khăn của thị trường giai đoạn 2011 – 2013. Vingroup đang đầu tư mạnh hơn cho thiết kế cũng như quản lý dự án bằng việc hợp tác với các nhà thầu hàng đầu thế giới cho những dự án lớn như Vinhomes Central Park, chứng minh rằng họ không chỉ xây nhanh, mà còn xây những công trình đẹp và chất lượng cao.

Năm qua, Vingroup đồng thời thành công mạnh với sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng tại các dự án Vinpearl Phú Quốc, Nha Trang. Các căn biệt thự với giá trung bình một triệu đô la Mỹ mỗi căn được Vingroup đảm bảo lợi tức 10% trong vòng 10 năm nếu người mua giao cho công ty quản lý. Hơn 1.000 căn biệt thự đã được bán sạch trong năm qua. Vingroup cho biết, do quy định về kế toán của Việt Nam, doanh thu và lợi nhuận không được ghi nhận cho đến khi giao nhà, và doanh thu trên thực tế năm nay lớn hơn rất nhiều con số được báo cáo.

Ông Phạm Nhật Vượng, câu chuyện tạo dựng và dẫn dắt thị trường - ảnh 4

Song song với việc phát triển các dự án nhà ở, Vingroup cũng đang dẫn đầu trong việc xây dựng các khu trung tâm thương mại bán lẻ, mở chuỗi. Tính đến cuối tháng 11.2015, có 13 trung tâm thương mại (TTTM) đã đi vào hoạt động, riêng trong năm 2015 có thêm bảy trung tâm mới trên khắp cả nước. Tổng cộng diện tích mặt bằng mà Vincom Retail cung cấp ra thị trường từ nay đến hết năm 2016 gần một triệu m2, trong đó tỉ lệ lấp đầy tại các TTTM đã đi vào hoạt động trung bình đạt mức trên 90%. Dự kiến đến hết năm 2016, Vincom sẽ có gần 40 TTTM hoạt động trên 20 tỉnh thành phố trên cả nước gồm Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Đắk Lăk, Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu. Năm qua, Vingroup tập trung phát triển chuỗi siêu thị bán lẻ và cửa hàng tiện dụng trên cả nước, bằng các chiến lược xây dựng, mở chuỗi và kể cả mua bán, sáp nhập. Trong kế hoạch của tập đoàn, đến cuối năm 2015, mạng lưới cửa hàng bán lẻ sẽ bao gồm 50 VinMart (trong đó có chín cơ sở nhận chuyển giao từ thương vụ mua lại Maximark), 300 VinMart+; hơn 100 VinPro và VinPro+. Theo một nguồn tin từ Maximark, công ty thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, em gái doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, quyết định mua lại chuỗi siêu thị Maximark tại TP. HCM được chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đưa ra trong vòng một tuần. Theo phân tích của các công ty chứng khoán và nghiên cứu bất động sản, với chiến lược mở chuỗi bán lẻ quyết liệt trong năm 2016, nếu giải quyết tốt được bài toán phát triển logistics, Vingroup có thể đạt được mục tiêu thống lĩnh thị trường bán lẻ trong vài năm tới.

Một nhánh kinh doanh khác của Vingroup được thị trường chờ đợi nhiều là công ty thương mại điện tử Adayroi, mới tung ra thị trường website giao dịch bản thử nghiệm được hơn ba tháng nay. Adayroi được đầu tư khoảng 600 tỉ đồng cho tới thời điểm này, trải qua một đợt thay đổi nhân sự mạnh mẽ vào cuối năm 2014, và đang đứng trước triển vọng của một thị trường còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Nông nghiệp là mảng kinh doanh hoàn toàn mới nhưng đã nhanh chóng có sản phẩm, tạo thêm nguồn năng lực cộng thêm cho các mảng kinh doanh bán lẻ cũng như giá trị cho các khu đô thị phức hợp của tập đoàn. Hai lĩnh vực giáo dục và y tế của Vingroup, tuy chưa có quy mô vượt trội trên thị trường, nhưng đã tạo được thương hiệu mạnh và chứng minh tính chuyên nghiệp cao. Tất cả các lĩnh vực mà Vingroup đầu tư đều là những khu vực có cơ hội tăng trưởng mạnh, và nhìn tổng thể, đều có khả năng tạo giá trị cho các sản phẩm mà tập đoàn cung cấp ra thị trường.

Liệu thị trường đã hiểu hơn về Vingroup kể từ bài báo đầu tiên mà Forbes Việt Nam thực hiện cách đây 2,5 năm? Thông tin về những dự án mới mà Vingroup thực hiện xuất hiện hằng tuần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Gần như tất cả những đại lý bất động sản đang hoạt động trên thị trường Việt Nam đều bán hàng của Vingroup, do chiến lược làm việc với tất cả các đại lý, không ký độc quyền với một công ty nào – một trong rất nhiều những “cách của Vingroup” mà sau đó được nhiều công ty khác làm theo. Các khu nghỉ dưỡng – vui chơi phức hợp Vinpearl được mở rộng với tốc độ chóng mặt tại Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… và luôn đông khách. Các thương hiệu của Vingroup đang trở thành những cái tên quen thuộc với nhiều gia đình trung lưu Việt Nam. “Các nhà phân tích chứng khoán rất thích Vingroup, nhưng thị trường nhìn chung e ngại, vì họ không hiểu hết Vingroup,” ông Vũ Thanh Tú của công ty chứng khoán Bản Việt nhận xét. Làm “quá nhiều và quá nhanh” là đánh giá từ bên ngoài. Từ bên trong, tại trụ sở chính của tập đoàn Vingroup giữa khu biệt thự sang trọng mang tên mới Vinhomes Riversides tại Hà Nội, ông chủ tập đoàn cho rằng, họ làm chưa đủ nhanh. Ông Vượng nhìn thấy cơ hội phát triển ở khắp mọi lĩnh vực trên nền kinh tế. Ông thường miêu tả ngày làm việc của mình là “không ngẩng được mặt lên.” Một trong những nhà đầu tư nước ngoài giấu tên, thuộc nhóm nhà đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu nhận xét: “Ông Vượng là người có sự năng động, tầm nhìn đáng nể.” Những nhà đầu tư quỹ tới thăm các dự án của Vingroup tại Phú Quốc đều khâm phục sự thay đổi mà tập đoàn này đang mang lại trên hòn đảo này chỉ trong vòng chưa đầy hai năm.

Ông Phạm Nhật Vượng, câu chuyện tạo dựng và dẫn dắt thị trường - ảnh 5
Ông Phạm Nhật Vượng, câu chuyện tạo dựng và dẫn dắt thị trường - ảnh 6

Bên cạnh tầm nhìn, năng lực tư duy chiến lược của người đứng đầu tập đoàn, còn một yếu tố đặc biệt quan trọng giúp cho Vingroup phát triển nhanh trong thời gian qua: khả năng huy động và sử dụng một cách khéo léo các nguồn vốn, trong đó ba nguồn chính của họ là vay quốc tế, trái phiếu chuyển đổi và vay trong nước. Một số nhà phân tích chứng khoán cho rằng đây là yếu tố thành công riêng biệt của Vingroup. Trong giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng và lãi suất cho vay trong nước đang ở mức rất cao, Vingroup đã tiếp cận được nguồn vốn quốc tế thông qua vay quốc tế và trái phiếu chuyển đổi. Khi tình hình kinh tế vĩ mô trong nước bình ổn, Vingroup quay lại với nguồn vốn vay thương mại trong nước. Các chuyên gia tài chính ước tính Vingroup tiết kiệm được khoảng 3% chi phí vốn vay mỗi năm trong hai năm 2012 – 2013 bằng việc sử dụng nợ quốc tế trong bối cảnh vốn vay trong nước chịu lãi suất cao. Hiện nay, Vingroup đang có được nguồn doanh thu rất tốt từ bất động sản, giúp tạo nguồn vốn đầu tư cho các khoản đầu tư khác chưa đem lại lợi nhuận của tập đoàn.

Ông Vượng cho biết rủi ro nguồn vốn không phải là vấn đề đáng lo ngại, nhưng thách thức về quản trị và nguồn nhân lực là đáng kể. “Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn rất kém,” ông nói. Trong vòng hai năm qua, Vingroup liên tục đưa ra những thay đổi lớn về quản trị, nhanh chóng cải tổ mô hình quản trị nếu không thấy hiệu quả. Vingroup không ngần ngại thuê những nhân sự giỏi với giá cao hơn hẳn giá thị trường, nhưng cũng quyết định nhanh như vậy khi đưa ra quyết định cho nghỉ việc. Để thực hiện được tầm nhìn của người đứng đầu và khối lượng công việc khổng lồ đặt ra, Vingroup liên tục cần người mới, nhân sự giỏi để thực hiện. Trong năm 2014, tập đoàn này tạo thêm 8.500 việc làm mới. Năm 2015, thêm… việc làm, nâng tổng số nhân sự làm việc trực tiếp trong tập đoàn hiện nay lên đến gần 40 ngàn người (chưa tính tới khoảng 50 ngàn công việc được tạo ra gián tiếp thông qua việc thuê các nhà thầu xây dựng). Vingroup được biết đến như nơi thu hút nguồn nhân lực giỏi, nhưng cũng được coi là nơi mà áp lực công việc rất lớn. Đây là một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, có thể thấy rất rõ ở một tập đoàn đang phát triển nhanh như Vingroup.

Trả lời câu hỏi của Forbes Việt Nam qua điện thoại về những công việc Vingroup đang làm, ông Phạm Nhật Vượng nói ngắn gọn: “Tôi nghĩ những gì mình làm được còn quá ít, quá nhỏ bé. So với quy mô nền kinh tế của mình cũng vẫn nhỏ bé, chưa nói đến so với thế giới. Còn quá nhiều việc phải làm.” 

Ông Phạm Nhật Vượng, câu chuyện tạo dựng và dẫn dắt thị trường - ảnh 7

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Posts

Nhập Từ Khóa Của Bạn